Phim về luật sư Woo Young Woo làm tổn thương những người mắc chứng tự kỷ?
Hiện tại, bộ phim “Extraordinary Attorney Woo” (Nữ luật sư kỳ lạ) đang trở thành chủ đề nóng trên các diễn đàn xứ Hàn. Câu chuyện về nữ luật sư Woo Young Woo mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (Asperger) là đề tài mới lạ, thu hút sự quan tâm của khán giả.
Phim được mô tả là “tác phẩm có khả năng chữa lành” vì đã miêu tả chân thực về chứng tự kỷ của Woo Young Woo và sự hỗ trợ của các đồng nghiệp.
Thiên tài học luật mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ…
Cùng với sức hút bùng nổ, “Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo” cũng dấy lên lo ngại về độ thực tế của câu chuyện và ảnh hưởng của nó đến nhận thức của xã hội Hàn Quốc về chứng Asperger.
Theo Korea JoongAng Daily, có một số ý kiến cho rằng, Woo Young Woo được yêu thích vì cô ấy là thiên tài và biểu hiện các triệu chứng tự kỷ tương đối nhẹ.
Trong phim, chứng tự kỷ của luật sư Woo đơn giản chỉ là đưa ra vài câu hỏi kỳ quặc, làm vài hành động đáng yêu.
Hơn cả căn bệnh mà Woo Young Woo đang mang, cô là một luật sư tốt nghiệp Đại học Quốc gia Seoul, một trong những trường danh giá nhất Hàn Quốc. Cô gái trẻ có chỉ số IQ 164, được miêu tả là một thiên tài có khả năng ghi nhớ mọi thứ đã đọc.
Estas, một tổ chức dành cho người mắc chứng tự kỷ tại Hàn Quốc cho biết, mô tả rối loạn phổ tự kỷ trong phim là không chính xác và có thể sẽ tạo nên một số định kiến tiêu cực về chứng tự kỷ.
Mặc dù “Extraordinary Attorney Woo” sử dụng thuật ngữ chính xác, Estas vẫn giữ thái độ phê bình đối với bộ phim. Một số phụ huynh có con tự kỷ cũng bày tỏ lo ngại rằng, phim đang miêu tả một trường hợp cực kỳ hiếm gặp và phi thực tế.
Do đó, biểu hiện của Woo Young Woo trong phim giống với Hội chứng Savant – chứng tự kỷ chức năng cao chứ không phải rối loạn phổ tự kỷ thông thường.
Các quan chức tại Hiệp hội Tự kỷ Hàn Quốc nói rằng “Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo” đã khơi dậy sự quan tâm của công chúng về căn bệnh tự kỷ thông qua hành vi của luật sư Woo.
Ví dụ, Woo Young Woo luôn đeo tai nghe vì cô cực kỳ nhạy cảm với tiếng ồn. Cô luôn ăn kimbap (cơm cuộn) vì cô cho rằng món ăn này “đáng tin cậy” khi có thể nhìn thấy tất cả thành phần bên trong.
… đặt trong một môi trường lý tưởng
Theo KBIZoom, một yếu tố khác khiến phim trở nên phi thực tế là xung quanh nữ chính không có nhân vật phản diện. Tại công ty luật Hanbada, Woo Young Woo ở trong một mạng lưới an toàn và tương phản hoàn toàn với “thế giới bên ngoài”.
Nhiều khán giả cho rằng, môi trường lành mạnh, đồng nghiệp tốt bụng và công việc thuận lợi chỉ có trong tưởng tượng.
“Trong phim, luật sư Woo sẽ không thể bộc lộ hết sự xuất sắc của mình nếu mọi người xung quanh không thấu hiểu và bổ sung những gì cô thiếu sót”, Kim Hyo Won, bác sĩ tâm thần nhi khoa kiêm phó giáo sư tại Trung tâm Y tế Asan Seoul, cho biết.
Nói về thế giới tốt đẹp được mô tả trong “Extraordinary Attorney Woo”, nhà phê bình văn hóa đại chúng Jeong Deok Hyun đánh giá: “Việc không có nhân vật phản diện xung quanh Young Woo cho chúng ta biết rằng, cô ấy có thể vượt qua khiếm khuyết là nhờ sự thông cảm, không định kiến từ những người xung quanh”.
Tuy nhiên trên thực tế, trẻ em mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ lại gặp nhiều khó khăn để hòa nhập với bạn bè.
Các nghiên cứu cho thấy, 67% học sinh mắc AS là nạn nhân bị bắt nạt. Trong đó, 3 hình thức bắt nạt phổ biến nhất là bị chế giễu, bạo lực bằng lời nói (73%), bị cô lập (51%), và bị gọi bằng những cái tên xấu xí (47%).
Một bài viết với tiêu đề “Liệu bộ phim có thực sự khiến xã hội bớt định kiến đối với chứng tự kỷ không?” gây chú ý trên mạng xã hội xứ Hàn.
Điều này sẽ tạo ra sự kỳ vọng quá mức và những tiêu chuẩn thành tích không thực tế. Câu chuyện sẽ tồi tệ hơn khi mọi người đặt ra câu hỏi “Tại sao những người tự kỷ không giống như Woo Young Woo?”.
“Ở Hàn Quốc, một nơi mà xã hội mặc định người khuyết tật phải tự phát triển ở nhà hoặc ở các cơ sở chăm sóc đặc biệt, tôi sợ có người sẽ nói ‘nếu bạn (người tự kỷ) không có tài năng như Woo Young Woo thì hãy ở nhà'”, chủ nhân bài viết nhận xét.