Ca sĩ ảo ‘xâm chiếm’ làng giải trí châu Á
Lạc Thiên Y – ca sĩ ảo nổi tiếng nhất Trung Quốc – tổ chức concert, tham gia sự kiện giải trí và đại diện cho nhiều thương hiệu.
Khi tiếng piano của nghệ sĩ Lang Lang vang lên trên sân khấu buổi hòa nhạc ở Thượng Hải năm 2019, Lạc Thiên Y với bím tóc màu xám, đôi mắt xanh lục xuất hiện, hòa giọng bài Hoa nhài. Theo Scmp, hàng nghìn fan vẫy que phát sáng màu xanh theo từng nhịp điệu, gọi tên Thiên Y, thậm chí một số người bật khóc.
Sự kiện tương tự các concert thông thường, khác biệt duy nhất là Lạc Thiên Y không phải người thật. Cô là sản phẩm công nghệ, cùng Lang Lang tạo ra buổi hòa nhạc đầu tiên giữa ca sĩ ảo và nghệ sĩ ngoài đời thực ở Trung Quốc. Giá vé chương trình lên tới 1.580 nhân dân tệ (5,4 triệu đồng), hết sau vài phút mở bán. Lang Lang nói trên Scmp: “Tôi nghĩ âm nhạc của tôi thăng hoa khi kết hợp cùng cô ấy”.
Lạc Thiên Y ra mắt năm 2012, là nghệ sĩ ảo nổi tiếng nhất Trung Quốc. Ca sĩ được mời tham gia gala lễ hội mùa xuân của đài CCTV cùng Lưu Đức Hoa, quảng bá cho thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh, xuất hiện trên bìa Harper’s Bazaar bản Trung. Cô có hơn 5 triệu người theo dõi trên Weibo, là gương mặt đại diện của nhiều nhãn hàng. Ngoài Thiên Y, hiện nay Trung Quốc có hàng nghìn nghệ sĩ ảo.
Các thần tượng ảo phổ biến ở nhiều nước châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhật là nơi đầu tiên sản sinh ngôi sao ca nhạc 3D, từ đầu thập niên 1990, theo Pitchfork. Kyoko Date được HoriPro – công ty tìm kiếm tài năng lớn nhất Nhật Bản – tạo ra vào năm 1995. Ý tưởng là Kyoko không bao giờ vướng bê bối, không mệt mỏi về thể chất, tinh thần khi tham gia các hoạt động. Công ty đầu tư hàng triệu USD, đội ngũ nhân viên đông đảo.
Ngoại hình của Kyoko Date là ảo, nhưng giọng hát do người thật thực hiện. Công ty còn tạo ra câu chuyện về cuộc đời ca sĩ – lớn lên ở vùng ngoại ô, thích học ngoại ngữ và sưu tập giày thể thao. Tuy nhiên, Kyoko Date không đạt thành công về thương mại do hạn chế kỹ thuật.
Đến nay, các công ty Nhật liên tiếp ra mắt nghệ sĩ ảo, trong đó, Hatsune Miku được xem là biểu tượng. Ca sĩ 16 tuổi, có bím tóc màu ngọc lam đặc trưng. Giọng của Miku do Saki Fujita – diễn viên lồng tiếng anime – và phần mềm vocaloid (người ảo có thể phát ra âm thanh) tạo nên. 14 năm hoạt động, Hatsune Miku có hơn 100.000 bài hát. Từ năm 2008, cô tổ chức nhiều buổi hòa nhạc trực tiếp tại Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, đa phần “cháy vé”. Miku có hàng triệu lượt theo dõi trên mạng xã hội, xuất hiện trong nhiều bộ phim, chương trình giải trí, tạo cảm hứng cho các hãng đồ chơi.
Ca sĩ ảo đầu tiên của Hàn Quốc là Adam năm 1998, nhưng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn do chất lượng hình ảnh thấp và chi phí phát triển cao. Đến nay, thần tượng được tạo ra bằng AI ngày càng chiếm ưu thế. Tháng 11/2020, SM Entertainment ra mắt nhóm nhạc nữ Aespa phiên bản kỹ thuật số. Tháng 9/2022, Apoki phát hành MV West Swing đạt hàng triệu view. Hồi đầu năm, Mave gồm bốn thành viên, ra mắt với album Pandora’s Box.
Tại Việt Nam, ca sĩ ảo Ann vừa gây chú ý với MV Làm sao nói thương anh (Kim Ngân), hiện đạt hơn 100 nghìn lượt xem trên YouTube. Tạo hình cô là ca sĩ 18 tuổi, mang nét đẹp Á Đông, giọng hát cũng do AI xử lý. Trước đó, hai ca sĩ ảo Michau và Damsan từng xuất hiện tại Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò dô 2022 ở TP HCM qua hình thức trình chiếu hologram, giọng do người thật đảm nhận được chuyển thành âm thanh ảo.
Trên thế giới, theo Virtualhumans, mặc dù không phải là AI, các nhóm nhạc ảo được sáng tạo bằng 2D như Alvin and the Chipmunks và The Archies xuất hiện từ những năm 1950, gây nhiều chú ý. The Gorillaz với bốn thành viên do nhạc sĩ Damon Albarn thành lập năm 1998, gặt hái nhiều thành công khi theo đuổi dòng nhạc hiphop, EDM, world music.
Các nghệ sĩ ảo được nhận định giúp giảm bớt rủi ro và có tiềm lực kinh tế lớn trong ngành giải trí. Bobo Đặng – nhà sáng lập Ann – khẳng định nghệ sĩ ảo không lo vướng scandal. Họ cũng không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tuổi tác, sức khỏe, tài chính, mối quan hệ với đồng nghiệp, công ty. Trên Yonhapnews, giáo sư ngành truyền thông Lee Hye Jin cho biết: “Ca sĩ ảo dễ kiểm soát hơn, không bị ràng buộc về thể chất và cảm xúc. Họ không bị cám dỗ bởi ma túy, dính vào các bê bối tình dục như thần tượng người thật”. Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc mời Lạc Thiên Ý làm đại sứ vì “không gây hại” cho giới trẻ.
Shi Wenxue – nhà phê bình văn hóa ở Bắc Kinh – nói trên GlobalTimes thần tượng ảo giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đào tạo. Ngoài ra, việc duy trì một độ tuổi mãi mãi cũng là lợi thế khác biệt trong ngành công nghiệp có sự đào thải khốc liệt.
Nghệ sĩ ảo mang đến nguồn thu từ MV, biểu diễn trực tiếp, bán các vật phẩm liên quan, đại diện thương hiệu quảng cáo, đặc biệt trong thời đại số hiện nay. Báo cáo của công ty nghiên cứu iiMedia cho biết ngành công nghiệp này ở Trung Quốc thu về 3,5 tỷ nhân dân tệ (547 triệu USD) vào năm 2020, đạt hơn 6 tỷ nhân dân tệ trong năm 2021.