Cách Mỹ biện minh cho cuộc chiến ở Iraq
Mỹ dẫn đầu liên minh quân sự tấn công Iraq với lý do nước này sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, song sau đó không tìm thấy bằng chứng.
Sau vụ tấn công ngày 11/9/2001, Mỹ phát động chiến dịch chống khủng bố toàn cầu nhằm vào các thực thể mà nước này coi là khủng bố, trong đó một mục tiêu mà Washington nhắm đến là Iraq dưới chế độ của tổng thống Saddam Hussein.
Chính quyền tổng thống George W. Bush bắt đầu thúc đẩy biện pháp can thiệp quân sự vào Iraq từ cuối năm 2001, với căn cứ đầu tiên là “nghị quyết Iraq” của quốc hội Mỹ, trong đó bày tỏ ý định “tước bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq, chấm dứt sự ủng hộ của Saddam Hussein với chủ nghĩa khủng bố, và giải phóng người dân Iraq”.
Trong thông điệp liên bang tháng 1/2002, ông Bush tuyên bố Mỹ sẽ “chống lại các nhóm khủng bố” hoặc bất cứ nước nào bị coi là đào tạo, trang bị hoặc hỗ trợ họ. Iraq tiếp tục được ông Bush nêu tên, cho rằng nước này “thể hiện thái độ thù địch với Mỹ và hỗ trợ khủng bố”. “Chính quyền Iraq đồng ý cho cơ quan quốc tế tới thanh tra, sau đó lại trục xuất các thanh sát viên. Họ có điều gì đó che giấu với thế giới văn minh”, ông Bush nói.
Nghi ngờ này khiến chính quyền Bush tuyên bố Iraq đang sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trong bài phát biểu tại thành phố Cincinnati thuộc bang Ohio tháng 10/2002, ông Bush tuyên bố “Iraq sở hữu và sản xuất vũ khí hóa học, sinh học, họ cũng đang tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân”.
Ông Bush sau đó kết luận phải ngăn chặn ông Saddam Hussein. “Lãnh đạo Iraq không được phép đe dọa nước Mỹ hay thế giới bằng chất độc, dịch bệnh, khí độc hay vũ khí hạt nhân”, cựu tổng thống Bush nói.
Thủ tướng Anh lúc bấy giờ là Tony Blair cũng đưa ra thông điệp tương tự. Ông Blair tháng 9/2022 công bố hồ sơ của tình báo Anh cho rằng tổng thống Iraq “có thể kích hoạt vũ khí hóa học và sinh học trong 45 phút”.
Tháng 1/2003, phó tổng thống Mỹ Dick Cheney gia tăng cáo buộc chống lại Iraq, cho rằng chính quyền Saddam Hussein có liên hệ với nhóm đứng sau vụ tấn công ngày 11/9/2001, đồng thời “hỗ trợ và bảo vệ những kẻ khủng bố, trong đó có thành viên al-Qaeda”.
Tuy nhiên, Mỹ không đưa ra được bằng chứng nào cho thấy ông Saddam Hussein có liên hệ với al-Qaeda. Melvyn Leffler, tác giả cuốn Đối mặt với ông Hussein, cũng cho hay ông Bush chưa bao giờ tin rằng ông Hussein có liên hệ với al-Qaeda. Tuy nhiên, ông Bush tiếp tục nhấn vào mối lo ngại rằng Iraq sẽ khởi động lại chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt và “tống tiền Mỹ trong tương lai”.
Hình ảnh gây ấn tượng mạnh nhất khi đó là Ngoại trưởng Mỹ Collin Powell cầm trên tay một lọ bột trắng phát biểu tại phiên họp ngày 5/2/2003 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhằm giải thích cho nhận định rằng chính quyền Saddam Hussein đang sở hữu vũ khí hạt nhân, sinh học, hóa học nên cần bị loại bỏ bằng vũ lực.
“Thưa các ngài, mọi điều tôi nói hôm nay đều được hậu thuẫn bởi những nguồn tin chắc chắn”, Powell phát biểu. “Đó không phải là nhận định. Tất cả những gì tôi đưa ra đều là sự thật và kết luận dựa trên thông tin tình báo vững chắc”.
Để thuyết phục các thành viên Hội đồng Bảo an, Powell còn phát đoạn băng ghi âm được cho là cuộc trao đổi giữa các sĩ quan quân đội Iraq về một cuộc thanh sát vũ khí của LHQ, đồng thời trình ra bức họa về thiết bị được mô tả là vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq. Nhưng đoạn ghi âm đã được chỉnh sửa để thêm phần kịch tính, còn bức họa chỉ là sản phẩm được phác thảo dựa trên lời kể không đáng tin của những người Iraq đào tẩu.
Hai năm sau đó, Powell đã mô tả bài phát biểu là một “vết nhơ” trong sự nghiệp của mình. “Tôi là người đã thay mặt nước Mỹ trình bày nó với thế giới”, Powell nói với đài ABC News. “Giờ đây, tôi cảm thấy rất đau đớn”.
Dù vậy, Mỹ, Anh cùng một số đồng minh gồm Australia, Ba Lan và Đan Mạch vẫn quyết định tấn công quân sự Iraq, bắt đầu từ ngày 20/3/2003, với lý do chính quyền Saddam Hussein sở hữu và phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt để “tạo lợi thế tiềm tàng cho các nhóm khủng bố”, cũng như nhằm mục tiêu “xây dựng một Iraq thân thiện và dân chủ để làm hình mẫu cho khu vực”.
20 năm sau, nhiều người đặt câu hỏi chiến dịch tấn công Iraq có phải sản phẩm được tạo ra do hành vi cố ý lừa dối cử tri, thông tin tình báo sai lệch hay bởi tính toán chiến lược của Mỹ, Anh và các đồng minh.
Cáo buộc Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt được chứng minh là không có căn cứ sau khi David Kay, lãnh đạo nhóm Khảo sát Iraq đa quốc gia, được giao nhiệm vụ tìm kiếm và vô hiệu hóa vũ khí hủy diệt hàng loạt tại quốc gia Trung Đông.
Nhóm của Kay đã không thể tìm thấy bất cứ bằng chứng nào cho thấy Iraq dưới thời Saddam Hussein đã triển khai chương trình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt. Các cơ quan tình báo chủ chốt của Mỹ cũng có chung kết luận.
“Gần như tất cả chúng ta đều sai lầm, tôi chắc chắn bản thân mình có trong số đó”, Kay nói trước Thượng viện Mỹ hồi tháng 1/2004.
Đến thời điểm này, cáo buộc Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt hay hậu thuẫn al-Qaeda đều sụp đổ. Chính quyền Bush khi đó đã quay sang viện dẫn những lý do khác để tiến hành cuộc chiến, như hồ sơ nhân quyền của chính phủ Saddam Hussein, hay nhằm “thúc đẩy dân chủ ở Iraq”.