Giới chuyên gia cho rằng ChatGPT hiện chỉ hỗ trợ sáng tác, chưa thành mối đe dọa với các cây bút giàu sáng tạo.
Diễn đàn ChatGPT với việc viết sách, viết văn của giới trẻ được tổ chức nhân Ngày Sách lần thứ 2 tại TP HCM, tối 20/4. Bà Đinh Thị Thanh Thủy – Giám đốc Nhà xuất bản Tổng hợp – cho biết trong quá trình tiếp nhận các bản thảo thô, đơn vị nhận ra ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) này chưa thể can thiệp sâu rộng, đặc biệt là mảng sách văn học. “Nét riêng của từng cây bút là đặc tính thuộc tư duy văn chương. Việc sáng tác truyện ngắn, tiểu thuyết theo tôi vẫn là thách thức lớn với ChatGPT”, bà Thủy nói.
Nhiều diễn giả, khách mời sự kiện đồng quan điểm: Công nghệ AI nói chung và ChatGPT nói riêng chưa thể là mối đe dọa trong làng văn. Lê Huỳnh Đức – tác giả cuốn Tôi tập thể dục – từng thử dùng ứng dụng để biên soạn mục lục, tư duy đề tài. “Tuy nhiên, tôi nhận ra yếu tố con người trong tác phẩm là điều ChatGPT chưa thể làm được, chẳng hạn viết một câu văn khiến người đọc rơi nước mắt. Công nghệ này chỉ nên xem là một trợ thủ đắc lực, còn nhà văn vẫn đóng vai trò trọng tâm”, cây bút 8x cho biết.
Ở lĩnh vực sách nói, ChatGPT vẫn chưa thể làm thay con người trong những công việc đòi hỏi cảm xúc, theo ông Lê Hoàng Thạch – CEO của VoiZ FM. Diễn giả cho rằng công nghệ giọng nói bằng trí tuệ nhân tạo có thể rút ngắn thời gian đọc, nhưng rất khó khơi gợi sự đồng cảm ở người nghe. Ông nói: “Các tin tức ngắn thì có thể phù hợp để sử dụng giọng đọc AI, còn với dạng sách văn học, chúng tôi vẫn cần các nghệ sĩ lồng tiếng, sau đó hậu kỳ kỹ lưỡng”.
Dù vậy, doanh nhân này thừa nhận xu hướng sử dụng AI để viết sách đang lan rộng trong giới trẻ. Gần đây, khi trò chuyện với một nhóm tác giả chuyên dùng ChatGPT để viết sách, ông ngạc nhiên vì tốc độ ra mắt tác phẩm của họ “nhanh khủng khiếp”. Họ phân nhiệm vụ: người trò chuyện, chỉnh sửa lỗi cho ChatGPT, người tìm hiểu các đề tài đang ăn khách, làm việc với nhà xuất bản. Một lần, anh đặt câu hỏi liệu họ có suy nghĩ về lương tâm của người viết, thì nhận được câu trả lời: “Có sao đâu, miễn có tiền là được”.
Sau cuộc trò chuyện đó, ông Thạch cho rằng AI giúp định hình rõ hơn các phân khúc trong thị trường xuất bản, tuy nhiên lựa chọn vẫn ở người đọc. “ChatGPT bắt xu hướng rất nhanh, nhưng đó vẫn chỉ là một dạng mỳ ăn liền. Các cuốn sách viết bằng gan ruột luôn được trân trọng. Chẳng hạn, đến giờ đông đảo độc giả vẫn nhớ đến đoạn đầu tiên trong truyện ngắn Tôi đi học của tác giả Thanh Tịnh”, ông Thạch nói.
Ông Nguyễn Minh Huấn – thành viên thường trực triển khai chương trình Trí tuệ Nhân tạo AI TP HCM – từng nhờ ChatGPT triển khai ý tưởng viết một cuốn sách về ẩm thực. Ông ngạc nhiên khi ứng dụng này nhanh chóng lập một đề cương gồm các chương như lịch sử ẩm thực, tác động của kinh tế với ẩm thực, nguồn gốc các món ăn nổi tiếng. Tuy nhiên, khi đề nghị công nghệ này thử viết truyện theo phong cách nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, ông nhận thấy tính logic về ngôn ngữ chưa cao, cần nhiều tinh chỉnh.
Ông Huấn cho biết sắp tới tham mưu với thành phố để tổ chức các buổi tập huấn dùng ChatGPT cho các cây bút trẻ. “Chúng tôi không đánh giá AI ngang tầm, đủ khả năng cạnh tranh với các nhà văn, mà nghiên cứu hiệu quả lẫn tác hại của ứng dụng này, từ đó sử dụng sao cho có lợi”, ông Huấn nói.
ChatGPT là ứng dụng AI được phát triển từ mô hình GPT-3.5 của công ty khởi nghiệp OpenAI, được đào tạo để đưa ra câu trả lời giống một cuộc trò chuyện với người thật. Ứng dụng gây sốt trên toàn cầu từ đầu tháng 12 năm ngoái với hơn một triệu người đăng ký chỉ sau một tuần, đạt 10 triệu tài khoản trên toàn cầu sau 40 ngày ra mắt.