Dâu tây Sơn La giá ngang hàng nhập Hàn, Nhật
Giống dâu Nhật trồng ở Mộc Châu (Sơn La) loại 24-25 trái một kg đang được bán 700.000-800.000 đồng, ngang với hàng nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản.
Vài năm trở lại đây, dâu tây Sơn La được người tiêu dùng Việt khá ưa chuộng. Hai năm bán dâu tây Hana Sơn La, chị Thu Hoài ở quận Bình Thạnh (TP HCM) cho biết, luôn trong tình trạng “cháy hàng” với dòng sản phẩm loại 1 (24-25 trái một kg). Theo chị, dâu Hana là một trong những loại ngon nhất ở Mộc Châu (Sơn La), thậm chí ngon hơn cả sản phẩm đến từ Hàn Quốc. Trái dâu được trồng ở vùng có thời tiết thuận lợi khá chắc thịt, giòn nên khi vận chuyển từ Bắc vào Nam vẫn giữ được độ tươi, ngọt.
“Vườn thu hoạch mỗi ngày chỉ vài chục kg dâu loại 1 nên muốn đặt số lượng lớn tôi phải gom hàng trước một tuần. Do đó, mỗi kg dâu bán ra có giá 750.000 đồng, đắt gấp 3-4 lần hàng loại vừa và bi (180.000-200.000 đồng)”, chị Hoài nói.
Dâu Hana ngọt, giòn và chắc thịt hơn so với dòng thông thường. Đây là loại giống dâu có xuất xứ từ Nhật Bản, tên gốc là dâu tây Tochiotome. Loại này được nông dân người Nhật tên Nahana Shojiro mang sang Việt Nam trồng thử nghiệm. Từ đó, giống dâu tây Tochiotome được nông dân Mộc Châu gọi tắt là “Dâu tây Hana”.
Gần 2 tháng nữa là kết thúc vụ dâu nên theo chị Hạnh Nguyên, một người chuyên bán mặt hàng này tại quận 5 (TP HCM), đây là thời điểm dâu chín ngon nhất và cũng là lúc khách đặt mua nhiều. Năm nay thời tiết thuận lợi nên sản lượng dâu cho năng suất cao, trái đồng đều, đỏ mọng. Nhưng loại dâu tuyển chọn cũng chỉ chiếm 20% nên càng cuối vụ giá càng tăng cao.
“Năm ngoái, giá dâu loại VIP cuối vụ còn tăng lên tới cả triệu đồng một kg nhưng không đủ để bán. Năm nay tôi phải đặt cọc trước cho các nhà vườn để có hàng”, chị Hạnh Nguyên nói.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt, chủ vựa dâu chuyên cung ứng số lượng lớn ở Mộc Châu, cho biết, dâu loại thượng hạng luôn được khách tranh mua dù có giá cao. Loại này, sản lượng chỉ chiếm 15% trên mỗi vườn dâu.
Ngoài dâu Hana, tại Sơn La, các giống dâu tây thông thường cũng rất đắt khách và có giá cao hơn hàng Đà Lạt 10-15%.
Theo các hợp tác xã dâu tây ở Mộc Châu, Mai Sơn, dâu tại đây được ưa chuộng vì được canh tác theo đúng tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP; khí hậu thuận lợi với nhiệt độ trung bình 17-20 độ C nên dâu giòn, ngọt và thơm hơn vùng khác. Theo tính toán của người trồng, trung bình một ha dâu tây cho sản lượng 12-15 tấn, doanh thu đạt 1,1-1,2 tỷ đồng. Trừ chi phí, nhà vườn lãi 350-450 triệu đồng một ha.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật Sơn La, sản lượng dâu tây năm nay khá dồi dào. Toàn tỉnh có 243 ha thu hoạch với sản lượng dự kiến 2.332 tấn. Dâu tây của tỉnh này trồng chủ yếu ở Mai Sơn, Mộc Châu và Yên Châu. Tại tỉnh đang có 2 giống chính là giống dâu tây thông thường, bán với giá 120.000-300.000 đồng một kg và giống dâu Việt Nhật giá 400.000-700.000 đồng.
Vụ dâu tây ở Sơn La được trồng vào khoảng tháng 9-10; thu hoạch từ tháng 12 năm trước đến giữa tháng 4 năm sau. Tháng 1-3 là thời gian cây cho quả ngon và chất lượng nhất.