Đen Vâu nói dù là công nhân vệ sinh như 15 năm trước hay rapper như hiện nay, anh chỉ mong đủ ăn đủ mặc.
Rapper chuẩn bị cho liveshow Show của Đen hôm 27/5 tại Cung điền kinh Mỹ Đình (Hà Nội). Sự kiện đánh dấu dự án lớn nhất của anh sau bốn năm, toàn bộ vé hết trong vài giờ mở bán online. Dịp này, nghệ sĩ 34 tuổi trò chuyện về áp lực làm show và trăn trở về sáng tạo trong nghề.
– Anh đối diện những nỗi lo nào trước đêm nhạc?
– Điều thử thách nhất với tôi trong liveshow sắp tới là phần hòa âm phải được làm mới hoàn toàn so với liveshow trước và so với những buổi diễn khác, để mang lại thú vị cho khán giả. Tôi và các anh em ban nhạc đang hoàn thiện các bản phối để tập dần. Thể trạng cũng là nỗi lo không kém. Sau Covid-19, tôi và đa số thành viên trong êkíp đều cảm thấy hơi thở không còn khỏe như trước. Tôi cố gắng tập luyện, hy vọng lấy hơi tốt hơn.
Với đêm nhạc này, tôi đơn giản chỉ muốn kết nối giữa người với người. Tôi không ước được tỏa sáng, mà mong đó sẽ là một ngày tất cả khán giả đều giãi bày tiếng lòng, để không ai còn thấy đơn độc.
– Trước liveshow, anh từng lo cạn kiệt sáng tạo khi viết nhạc. Lúc đó, anh gặp vấn đề gì?
– Đến một thời điểm, tôi chợt băn khoăn: Nhiều người nghe thì cũng vui, nhưng trong số đó ai thực sự cần đến âm nhạc của tôi. “Liệu còn ai muốn nghe nhạc của Đen Vâu” – tôi hay trăn trở với câu hỏi đó. Đôi khi, tôi sợ hết câu từ, cạn chữ để sáng tác. Ca khúc Ai muốn nghe không ra đời trong hoàn cảnh như thế. Những bài hát như vậy giúp tôi giải tỏa bớt áp lực, nhận ra vẫn còn sức để viết nhạc. Tất nhiên, đó chỉ là câu hỏi tôi tự nhủ khi tâm trạng xuống dốc, về cơ bản thì ca khúc cũng giúp tôi có câu trả lời.
– Sự sáng tạo của anh từng dấy lên nhiều tranh cãi, như dự án hát rap cùng dàn giao hưởng bị chê thiếu đồng điệu, rối rắm. Anh nghĩ sao?
– Tôi chưa bao giờ có suy nghĩ cố tình gây ra tranh cãi để tạo chú ý mỗi lúc phát hành sản phẩm cả. Nhiều người nghe nhạc rap hơn đồng nghĩa với việc có nhiều ý kiến trái chiều hơn. Chẳng hạn, với dự án rap cùng dàn giao hưởng, tôi muốn thử nghiệm sự giao thoa của rap/hip-hop – dòng nhạc phóng khoáng và giao hưởng – thể loại cổ điển. Ngay cả cái tên – dongvui harmony – cũng là suy nghĩ của tôi khi được học những điều mới mẻ với tập thể, từ dàn nhạc đến êkíp ghi hình.
Những lúc là tâm điểm tranh cãi, tôi thường đọc các bình luận phê bình, thử đặt bản thân là khán giả đó để suy nghĩ xem sao. Việc bị chỉ trích nhiều khi khiến tôi buồn, thậm chí chán nản. Tôi cũng chỉ biết tự động viên bản thân, cố gắng làm trống rỗng đầu óc bằng cách tìm về thiên nhiên để lấy lại cân bằng.
– Một số ca khúc gần đây của anh có lượt xem kém xa so với trước, hoặc không đạt top một “trending”. Anh nghĩ gì?
– Tôi vui mỗi khi có ca khúc đứng đầu top thịnh hành của các trang nhạc số, vì tôi biết mình được khán giả quan tâm. Nhưng tôi không xem đó là tiêu chí để đánh giá một bài nhạc hay. Vậy nên, dù đạt được hay tụt hạng, tôi cũng không suy nghĩ nhiều.
Âm nhạc có nhiều kênh để tiếp cận khán giả, với tôi quan trọng nhất vẫn là bài hát có chạm được vào cảm xúc của người nghe. Đó là điều tôi rút ra từ kinh nghiệm bản thân. Bởi khi đi biểu diễn ở nhiều đêm nhạc, một bài hát đạt top 1 “trending” của tôi, khán giả lại không thuộc lời bằng một bài chưa từng lên top.
– Điều gì anh thấy ở bản thân không thay đổi so với thời mới vào nghề 15 năm trước?
– Tôi vẫn nghĩ con người ta nhiều khi thay đổi lúc nào không hay. Tôi cũng thường tự ngẫm xem sau từng ấy thời gian, mình bây giờ ra sao. Tuy nhiên, thật sự tôi thấy những sở thích, mưu cầu của bản thân không thay đổi gì nhiều. Ngoài những thứ phục vụ cho công việc ra, còn lại trong đời sống này, tôi chỉ mong có ăn, có mặc đã là mừng lắm rồi. Dù làm công nhân thu gom rác thải ở Hạ Long 15 năm trước hay làm rapper, tôi luôn tâm niệm như vậy.