Cơ chế chung của G7 sẽ ngăn các nước sử dụng tầm ảnh hưởng về kinh tế để gây sức ép lên nước khác, được coi là nhằm đối phó Trung Quốc.
Trong thông báo trên website ngày 19/5, chính phủ Anh cho biết các lãnh đạo G7 kỳ vọng đạt thỏa thuận tạo ra cơ chế mới có tên Nền tảng Hợp tác G7 về Áp bức Kinh tế. Cơ chế này “sẽ đối phó với hành vi sử dụng các biện pháp kinh tế mang tính cưỡng ép để can thiệp vào các vấn đề của nước khác”.
Chính phủ Anh lấy ví dụ Trung Quốc đã sử dụng tầm ảnh hưởng về kinh tế để “gây sức ép lên các nước như Australia và Lithuania trong các tranh chấp chính trị”. Thủ tướng Anh Rishi Sunak hôm nay sẽ mở một phiên họp về an ninh kinh tế tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Hiroshima (Nhật Bản).
Cơ chế chung mới sẽ cho phép các nước G7 phối hợp nhằm đối phó với nhiều hành vi như hạn chế thương mại, đầu tư, tẩy chay, hay các mối đe dọa như tấn công mạng. Tuy nhiên, cơ chế này không đồng nghĩa G7 sẽ có phản ứng tự động trong các trường hợp này.
Bloomberg trước đó đưa tin các nước G7 muốn gửi thông điệp đến Bắc Kinh trong tháng này, bằng cách ra mắt một cơ chế chung nhằm đối phó “các biện pháp bắt nạt kinh tế”. “Chúng ta nên nhìn nhận rõ về các thách thức đang phải đối mặt”, ông Sunak cho biết.
Nguồn tin của Bloomberg nói rằng dù các nước G7 muốn phối hợp đối phó các chính sách kinh tế của Trung Quốc, việc công bố các biện pháp thực tế lại phức tạp hơn rất nhiều. Nhật Bản – chủ tịch G7 hiện tại – đang thúc đẩy nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm phụ thuộc vào Bắc Kinh. Tuy nhiên, G7 vẫn bất đồng về mức độ đối phó nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Do việc hạn chế thương mại với Trung Quốc sẽ gây tổn hại đến các nước phụ thuộc xuất khẩu như Đức hay Nhật Bản.
Trung Quốc thì vẫn phủ nhận các cáo buộc về “áp bức kinh tế”. Trong một báo cáo về ngoại giao tuần này, họ cáo buộc Mỹ bắt nạt các nước khác và phát động các cuộc chiến tranh thương mại.