GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết nhiều hóa chất, vật tư tại đơn vị đang cạn kiệt, có hóa chất chỉ đủ dùng trong 7 ngày nữa.
“Đây là việc ‘cấp cứu của cấp cứu’, cần được tháo gỡ ngay lập tức. Nếu không đủ hóa chất, vật tư, bệnh viện sẽ chỉ tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu hoặc không thể hoạt động”, ông Trần Bình Giang nói tại tọa đàm Ngành y vượt khó, sáng 23/2. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở Việt Đức mà còn ở một số bệnh viện tuyến cuối khác.
Theo ông Giang, hóa chất xét nghiệm công thức máu (xét nghiệm đơn giản nhất) tại đơn vị mình chỉ đủ dùng trong một tuần. Số lượng vật tư điều trị cho bệnh nhân xẹp đốt sống cũng hạn chế, chỉ chỉ định cho trường hợp cấp cứu. Ngoài ra, bệnh viện còn thiếu hóa chất định lượng nồng độ thuốc trong máu của bệnh nhân ghép tạng, hóa chất miễn dịch, hóa chất khí máu, vật tư hút máu đông, miếng dán cố định phẫu trường, kim gây tê tủy sống.
Nguyên nhân của tình trạng này là, đa số hóa chất do các công ty cung cấp, kèm theo máy đặt, mượn. Trước đây, cơ quan chức năng cho phép thanh toán bảo hiểm y tế với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy đặt, mượn do nhà thầu cung cấp. Như vậy, bệnh viện có nguồn thu cũng như cơ sở pháp lý để đấu thầu mua sắm hóa chất, triển khai các xét nghiệm phục vụ người bệnh.
Tuy nhiên, điểm mới trong Nghị quyết 144 quy định, các hợp đồng ký sau tháng 11/2022 (thời hạn áp dụng đến tháng 11/2023) sẽ không được bảo hiểm y tế chi trả. Do đó, từ tháng 12 năm ngoái, bệnh viện không thể kéo dài hình thức mượn máy, đặt theo kết quả đấu thầu hóa chất như trước, dẫn đến thiếu hụt. Đặc biệt, những hóa chất quan trọng và ảnh hưởng đến cấp cứu, khám, điều trị bệnh nhân như công thức máu, đông máu, Mg… đã hết số lượng thầu.
Mặt khác, hiện các vật tư tiêu hao phục vụ mổ chỉ đủ dùng trong một tháng, nhưng hầu hết giấy phép với những sản phẩm này vẫn chưa được gia hạn.
Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đề nghị Bộ Y tế cùng các cơ quan liên quan cần “vào cuộc hết sức cấp thiết” để xây dựng, ban hành các thông tư, nghị định, giúp bệnh viện có hành lang pháp lý giải quyết khó khăn.
Việt Đức là bệnh viện chuyên khoa hạng đặc biệt của Bộ Y tế, trung tâm ngoại khoa hàng đầu khu vực phía Bắc. Từ 2022 đến nay, cơ sở y tế này thực hiện hơn 79.000 ca mổ – không nhiều bệnh viện trên thế giới có thể triển khai con số tương tự. Ngoài ra, mỗi ngày bệnh viện có hàng nghìn bệnh nhân đến khám, điều trị, chờ phẫu thuật.
Ngoài thiếu hụt vật tư y tế, GS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết đơn vị này đang đối mặt với những khó khăn “vô cùng” về tài chính, phải sử dụng nguồn quỹ phát triển sự nghiệp tiết kiệm hơn 10 năm qua để chi tiêu. Ba năm gần đây, bệnh viện không được đầu tư cũng như không mua sắm thiết bị. Các tòa nhà xuống cấp trầm trọng, không được di tu bảo dưỡng, trong khi bệnh viện quá tải, mỗi ngày khám, điều trị 8.000-12.000 bệnh nhân.
Bạch Mai cũng đang phải bỏ không nhiều thiết bị y tế, do thông tư liên doanh liên kết hết hiệu lực, trong khi thông tư mới chưa ban hành. Do đó, đơn vị không thể tái ký hợp đồng, còn mua mới thì “không có tiền”. Việc này đang ảnh hưởng đến hàng nghìn người bệnh, trong đó có nhiều trường hợp nan y hiểm nghèo.
“Vì những lý do trên, chúng tôi đang đề xuất khẩn cấp với Bộ Y tế và Chính phủ đầu tư một nguồn ngân sách để bệnh viện sớm có các thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh khẩn cấp cho người bệnh”, ông Cơ chia sẻ.
Cũng trong tọa đàm, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết sau đại dịch, ngành Y đang đối mặt với 9 khó khăn. Đầu tiên, dịch Covid vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, nguy cơ xuất hiện nhiều biến chủng mới. Cùng với đó là những đợt bùng phát sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ, viêm gan cấp trong bối cảnh hệ thống y tế chưa giải quyết được những khuyết điểm giai đoạn trước.
Tiếp theo, hệ thống thể chế liên quan lĩnh vực y tế cơ bản hoàn thiện song còn bất cập liên quan mua sắm, đấu thầu, liên doanh liên kết, tài sản công.
Bên cạnh đó, năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, dự phòng còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ tiêm chủng ở một số địa phương chưa đảm bảo. Đặc biệt, sự quảng cáo về tác dụng của thực phẩm chức năng chưa đúng quy định hiện diễn biến phức tạp, đặc biệt trên mạng xã hội.
Ngoài ra, tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến cuối chưa được giải quyết, trong khi dịch vụ y tế tuyến dưới chưa được nâng lên. Tình trạng chênh lệch về các chỉ số sức khỏe như tỷ lệ tử vong ở mẹ cũng như trẻ em ở các vùng chưa cải thiện rõ rệt.
Mặt khác, năng lực sản xuất trang thiết bị còn khó khăn, mới dừng ở trang thiết bị y tế thông dụng, công nghệ còn thấp, chưa được chú trọng. Hệ thống xử lý nước thải ở cơ sở tuyến tỉnh quá tải, kết quả xử lý đầu ra chưa đạt yêu cầu.
Tình trạng thiếu thuốc chưa được khắc phục, số lượng hồ sơ đăng ký cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc còn tồn động lớn.
Quản lý, đào tạo chất lượng nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu thực tế và hội nhập. Cùng với đó là tình trạng nghỉ việc của nhân viên y tế, chuyển từ công sang tư, trong đó có thầy thuốc tay nghề cao.
Cuối cùng, chuyển đổi số và thông tin chưa đáp ứng yêu cầu, ngân sách chi cho bảo hiểm y tế có tăng, song tổng chi cho đầu người vẫn thấp. Tỷ lệ chi tiền túi chiếm khoảng 43% trong tổng chi tiêu y tế.
Bên cạnh những nội dung về thiếu hóa chất, vật tư y tế, các đơn vị mong muốn sớm cụ thể hóa Luật Khám chữa bệnh sửa đổi. Theo đó, luật này sẽ có hiệu lực tháng 1/1/2024 nhưng hiện vẫn chưa có các văn bản hướng dẫn dưới luật, khiến những khó khăn tiếp tục ách tắc.
Để tháo gỡ cho các bệnh viện, ông Tuyên cho biết Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành văn bản nghị định, đặc biệt trong luật Khám chữa bệnh sửa đổi cũng có hẳn một chương về tài chính trong các bệnh viện. Bộ cũng dự thảo trình Chính phủ ban hành nghị định về khám chữa bệnh theo yêu cầu, các nghị định liên quan đến vấn đề máy móc liên doanh liên kết.
Tại tọa đàm, các chuyên gia còn chia sẻ những khó khăn nhân viên y tế đang gặp phải như lương, phụ cấp thấp, điều kiện làm việc nguy hiểm. Do đó, chuyên gia đề xuất cần sớm có chính sách điều chỉnh phụ cấp tiền lương cho y bác sĩ trong thời gian này. Ngoài ra, cần đảm bảo an ninh, an toàn cho thầy thuốc bằng các quy định pháp luật cụ thể.