Từ cuối tháng 12, làng heo đất Lái Thiêu, TP Thuận An, bắt đầu vào mùa sản xuất mèo vàng cho vụ Tết nhưng năm nay lượng khách rất vắng.
“Những năm trước, giờ này xưởng của tôi tất bật người ra vào, năm nay có nhiều hôm không bán được đơn hàng nào”, anh Nguyễn Thành Tâm, 43 tuổi, người có 20 năm làm nghề gốm nói.
Các xưởng gốm ở Lái Thiêu quanh năm có nghề làm đồ dùng sinh hoạt, heo đất, gốm trang trí. Vụ Tết hàng năm, người dân chuyển sang sản xuất sản phẩm con vật biểu trưng của năm, ví dụ mèo vàng.
Anh Tâm cho biết, lượng hàng năm nay tiêu thụ chậm, giảm hơn 50% so với mọi năm. “Năm ngoái, gần như ngày nào tôi cũng nhận đơn hàng lớn, có khi lên tới 6.000 con, nhưng giờ này chỉ có lác đác vài đơn lẻ 100-200 con”, ông chủ lò sản xuất heo đất nói.
Thông thường mọi năm, trước Tết Nguyên Đán, xưởng anh nhập hàng từ ít nhất ba lò, mỗi lò khoảng 6.000 con. Năm nay, một tuần anh nhập về 2.000 con mà bán mãi chưa hết.
Làng heo đất ở Lái Thiêu ra đời cách đây gần gần một thế kỷ. Trước đây, có khoảng 300 hộ làm nghề nhưng nay số lượng chỉ còn khoảng hơn chục hộ bám trụ với sản phẩm heo bỏ ống.
Anh Tâm theo nghề từ năm 10 tuổi, nên đã quen với mùi sơn, các công đoạn làm heo đất, không muốn bỏ nghề. Trải qua quá trình đô thị hóa, khu vực nhà anh có mật độ nhà cửa ngày càng cao, không còn thích hợp với việc đắp lò nung vì gây ô nhiễm. “Để giữ nghề truyền thống, tôi đặt làm heo nung ở thị xã Tân Uyên. Mình chỉ thực hiện khâu sơn, vẽ trang trí và bán thành phẩm”, anh Tâm cho biết thêm.
Anh Võ Quốc Long, thợ sơn đã làm ở xưởng 15 năm cho hay, mỗi ngày anh làm khoảng 300-400 con. “Năm ngoái tôi làm từ sáng cho tới tận 12h đêm. Năm nay, chỉ làm lai rai tới chiều tối là nghỉ, không còn cảnh rộn ràng như trước”, anh Long nói.
Ngồi bên cạnh trong khi đang cặm cụi tô thêm lớp sơn nhũ vàng để tạo chú mèo hoàn chỉnh, ông Nguyễn Khải Hoàng, 55 tuổi, nói thêm: “Năm nay kinh tế khó khăn chung, không khí ở làng cũng đìu hiu lắm”.
Tượng mèo năm nay đa dạng mẫu mã, kích thước, gồm mèo lớn tài lộc, mèo nhỏ như ý, mèo lùn có kiểu dáng dễ thương… Từ sản phẩm mộc nhập từ Tân Uyên, mèo đất sẽ được phủ một lớp màu vàng bóng bên ngoài, in chữ tài, lộc lên thân. Khó nhất vẫn là công đoạn vẽ mắt, mũi, râu cho mèo vì đòi hỏi tay nghề cao để sản phẩm có hồn.
Sản phẩm mèo hoàn chỉnh loại lớn có giá 150.000-180.000 đồng mỗi con, loại nhỏ 50.000-70.000 đồng mỗi con.
Tại xưởng sản xuất của anh Tâm, ngoài nhập heo đất, mèo đất về gia công, anh còn mở rộng xưởng để tự sản xuất mèo bằng thạch cao, trung bình mỗi ngày cho ra 300 con.
Theo anh Tâm, sản xuất mèo thạch cao cần thời gian lâu hơn làm bằng đất nung, phải phơi khô khoảng một tuần, sơn lót bằng bột nước đợi khô trong hai tiếng trước khi sơn màu và vẽ trang trí.
Ngoài làm heo truyền thống, mèo vàng theo xu hướng, xưởng anh Tâm còn làm ra túi tiền phong thủy, vừa để bàn trưng trong ngày Tết vừa có kết hợp bỏ ống, mang nhiều ý nghĩa may mắn, tài lộc.
Theo chủ xưởng, thị trường năm nay vẫn chủ yếu là các tỉnh phía Nam, miền Trung, ngoài ra sản phẩm còn xuất khẩu sang Lào và Campuchia.