Mỹ xem xét phương án dùng tiêm kích bắn hạ “khí cầu Trung Quốc” trên lãnh thổ, nhưng không thực hiện vì có thể gây thiệt hại dưới mặt đất.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Patrick Ryder hôm 2/2 cho biết quân đội Mỹ đã phát hiện và theo dõi vật thể nghi là khí cầu do thám của Trung Quốc ở vùng trời miền bắc đất nước trong những ngày qua.
Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết khi được báo cáo thông tin, Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin trình bày các phương án đối phó.
Lầu Năm Góc đã đề xuất biện pháp triển khai tiêm kích bắn rơi khí cầu trên bầu trời bang Montana, đồng thời điều động chiến đấu cơ tàng hình F-22 đến khu vực để sẵn sàng hành động. Quân đội Mỹ cũng đã phối hợp với giới chức hàng không dân sự đình chỉ hàng loạt chuyến bay đến và đi từ thành phố Billings ở miền nam bang Montana.
“Chúng tôi đặt một số máy bay vào trạng thái trực chiến, chuẩn bị cho trường hợp có lệnh diệt mục tiêu trên bầu trời Montana. Chúng tôi muốn bảo đảm không phận khu vực đó trống trơn. Tuy nhiên, ngay cả khi áp dụng mọi biện pháp đề phòng, các chỉ huy vẫn nhận định mức độ nguy hiểm của phương án bắn hạ khí cầu quá cao và từ bỏ kế hoạch”, quan chức giấu tên nói.
Theo Lầu Năm Góc, mảnh vỡ từ khí cầu bị bắn hạ có thể rơi xuống và đe dọa mạng sống những người phía dưới. “Khí cầu cũng di chuyển ở độ cao lớn, cao hơn nhiều so với hoạt động hàng không, đồng thời không gây ra mối nguy hiểm với quân đội và người dân dưới mặt đất”, ông Ryder nói.
Chính quyền Tổng thống Biden đánh giá thiết bị này có “giá trị hạn chế” trong thu thập thông tin tình báo, không đem lại dữ liệu nào khác biệt với những hình ảnh từ vệ tinh do thám trên quỹ đạo.
“Quân đội Mỹ đã hành động nhanh chóng để ngăn khí cầu thu thập dữ liệu quan trọng, nhất là khi đường bay của nó đi qua nhiều địa điểm nhạy cảm. Chúng tôi cũng áp dụng thêm một số biện pháp ứng phó để đề phòng”, quan chức giấu tên nói nhưng từ chối tiết lộ hành động cụ thể.
Montana là một trong 5 bang của Mỹ có trận địa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Minuteman III. Trung Quốc chưa bình luận về thông tin từ phía Mỹ.