Man City và Barca đứng đầu danh sách nhận tiền hỗ trợ của FIFA cho các CLB có cầu thủ dự World Cup 2022.
LĐBĐ thế giới (FIFA) thanh toán khoản 209 triệu USD cho 440 CLB từ 51 quốc gia có cầu thủ dự giải đấu trên đất Qatar vào tháng 11 và 12/2022.
FIFA trả 10.950 USD cho mỗi ngày một cầu thủ tập trung đội tuyển quốc gia trong thời gian chuẩn bị và diễn ra World Cup 2022, trong tổng số 837 cầu thủ, bất kể họ thi đấu bao nhiêu phút trong suốt giải đấu. Hơn bốn năm trước, khi World Cup 2018 diễn ra ở Nga, FIFA chỉ trả 8.530 USD.
Tổng số tiền trên được chia và phân phối cho CLB hoặc các CLB mà cầu thủ đó được đăng ký trong 2 năm trước World Cup 2022. Khoản thanh toán này nằm trong “Chương trình bảo vệ lợi ích CLB” của FIFA.
FIFA cho biết, các CLB ở các quốc gia thành viên của UEFA nhận 159 triệu USD, chiếm 76% tổng số tiền, trong đó các CLB Anh thu về 37,7 triệu USD. Man City dẫn đầu khi nhận gần 4,6 triệu USD, tức hơn tổng số tiền của các CLB châu Phi với năm đội tuyển dự World Cup 2022. FIFA cho biết tổng cộng 18 CLB châu Phi chỉ nhận 4,57 triệu USD. Tại World Cup 2018, Man City cũng dẫn đầu khoản thanh toán này với gần 5,17 triệu USD.
Man City có 16 cầu thủ dự World Cup 2022, gồm John Stones, Kyle Walker, Kalvin Phillips, Phil Foden, Jack Grealish (tuyển Anh), Ruben Dias, Joao Cancelo, Bernardo Silva (Bồ Đào Nha), Kevin De Bruyne (Bỉ), Aymeric Laporte, Rodri (Tây Ban Nha), Ilkay Gundogan (Đức), Ederson (Brazil), Nathan Ake (Hà Lan), Manuel Akanji (Thụy Sĩ) và đặc biệt là Julian Alvarez với nhà vô địch Argentina. Chủ sân Etihad còn nhận một phần tiền từ Nicolas Otamendi – hậu vệ Argentina rời CLB vào hè 2020.
Xếp sau Man City là Barca khi thu về 4,54 triệu USD từ FIFA, gồm khoản phí lớn cho Lionel Messi – ngôi sao Argentina rời sân Camp Nou để gia nhập PSG theo dạng chuyển nhượng tự do hè 2021. Phần của Bayern là hơn 4,3 triệu USD, gồm các khoản thanh toán cho bốn cầu thủ từ đội Á quân Pháp.
Dù Italy không dự World Cup 2022, 27 CLB từ quốc gia này thu về tổng cộng 18,7 triệu USD nhờ các cầu thủ nước ngoài. Trong đó, Juventus nhận nhiều nhất, với hơn 3 triệu USD, trong đó có các khoản cho Adrien Rabiot của Pháp, cùng bộ ba Argentina Angel Di María, Leandro Paredes và Paulo Dybala.
Các CLB Tây Ban Nha kiếm tổng cộng 24,2 triệu USD, các CLB Pháp thu về hơn 21 triệu USD còn các đại đội Pháp nhận 16,5 triệu USD. Các CLB Arab Saudi dẫn đầu danh sách châu Á với 6,6 triệu USD và chủ nhà Qatar có 6,3 triệu USD. Các CLB Mỹ nhận 5,4 triệu USD, đứng đầu là 827.000 USD thuộc về Seattle Sounders.
Hành trình lịch sử của Morocco với tư cách là đội tuyển châu Phi đầu tiên vào bán kết World Cup đã đạt được với nhiều cầu thủ gốc châu Âu. Chỉ hai CLB Morocco ở Casablanca kiếm được tiền từ FIFA, với 1,4 triệu USD cho Wydad và 31.938 USD cho Raja.
Chỉ 20.075 USD được trả cho một CLB duy nhất ở Senegal, Generation Foot, với 27 cầu thủ trong tập thể dừng bước ở vòng 1/8. Trong đó có Sadio Mane – người rút lui trước khi giải đấu khởi tranh vì chấn thương dây chằng.
FIFA lần đầu áp dụng “Chương trình bảo vệ lợi ích CLB” ở World Cup 2010 tại Nam Phi để hỗ trợ các CLB có cầu thủ dự giải. Từ tổng số tiền 40 triệu USD năm 2010, khoản chi của FIFA đã tăng lên 70 triệu USD tại Brazil 2014 và sau đó tăng gần gấp ba vào năm 2018.
Khoản thanh toán này sẽ là 355 triệu USD cho mỗi kỳ World Cup vào năm 2026 và 2030. Trong đó, kỳ World Cup tiếp theo diễn ra ở Mỹ, Canada, Mexico sẽ là lần đầu tiên có 48 đội với dự kiến 1.104 cầu thủ.