Khuất xảo là một phong tục cổ truyền, nguồn gốc của lễ nghi này gắn với chuyện tình của Ngưu Lang – Chức Nữ. Trong cuốn Lịch tiết khí với lễ tục dân gian (Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc ấn hành, năm 2003), tác giả Trịnh Đình Tuấn kể lại: “Tục truyền từ thời cổ có chàng Ngưu Lang lương thiện nhưng nghèo khổ, cha mẹ mất từ nhỏ, sống cùng với anh trai và chị dâu. Không ngờ chị dâu bụng dạ độc ác, bắt Ngưu Lang phải làm việc nặng nhọc kể cả những việc bẩn thỉu, không cho ăn no mặc ấm, khi chia gia tài cho em ra ở riêng chị dâu chiếm hết ruộng vườn nhà cửa cha mẹ để lại.
Ngưu Lang chỉ được chia một con trâu già và nhờ có con trâu mà lấy được nàng tiên ở thượng giới là Chức Nữ làm vợ. Rồi sinh hạ được con trai, con gái sống cuộc sống gia đình ngày càng hạnh phúc với cảnh “chồng cày cấy, vợ dệt vải”.
Sau khi Vương Mẫu nương nương biết chuyện, liền cử thiên tướng, thiên binh xuống bắt Chức Nữ về. Ngưu Lang gánh hai con đuổi theo lên trời. Vương Mẫu nương nương thấy vậy, liền lấy chiếc trâm vàng vạch một đường, lập tức xuất hiện một dải Ngân Hà ngăn cách Ngưu Lang với Chức Nữ đời đời kiếp kiếp. Nhưng rồi hàng năm vào đêm ngày 7.7 âm lịch, Phượng Hoàng tụ tập hết giống quạ đen dưới trần bay lên Ngân Hà nối nhau bắc cầu Ô Thước cho vợ chồng Ngưu Lang – Chức Nữ gặp nhau”.
Thời cổ phụ nữ rất coi trọng lễ Khất xảo, trong đêm ấy phụ nữ chăng đèn kết hoa lập đàn cầu phúc cho Ngưu Lang – Chức Nữ. Xung quanh đàn người ta giăng cẩm tú, bày tiệc rượu, hoa quả, thắp hương; sau đó vái lạy và tiến hành Khất xảo.
Dân gian có nhiều cách Khất xảo như: thực hiện bốc xảo để đoán xem vận mệnh của mình trong tương lai có tinh thông nghề nghiệp hay không; các phi tần trong cung bắt con nhện nhỏ bỏ vào hộp, sáng hôm sau xem hình dáng tơ giăng để đoán tài nghệ. Trong đêm khuya tĩnh mịch người ta lặng lẽ đến bên giếng cổ hoặc đứng dưới giàn nho, yên lặng nghe ngóng nếu như nghe được tiếng nức nở của Ngưu Lang – Chức Nữ thì có thể xin được sự khéo léo.
Nhiều địa phương vào trưa ngày 7.7 người ta ngắt “mầm khéo léo” (mầm đậu) ném vào nước, dưới ánh nắng “mầm khéo léo” của ai có cái bóng giống chiếc kim, cái kéo, đóa hoa, con chim… thì tay người đó sẽ ngày càng trở nên khéo léo, giỏi giang. Ngoài ra người ta còn dùng 7 cây kim, 5 sợi chỉ ngũ sắc luồn vào kim vòng tròn, ai luồn nhanh thì chứng tỏ sự khéo léo của người đó là nhiều hơn.
Tác giả Trịnh Đình Tuấn cho rằng cầu xin sự khéo léo có thể khiến người ta sáng mắt sáng lòng, tay nghề tinh thông; một khi đã trở thành tục lệ chứng tỏ nguyện vọng mãnh liệt về mong muốn hoàn thiện kỹ năng, đạt tới sự thông minh về trí tuệ và tình yêu cuộc sống. Tất nhiên để có sự khéo léo phải cần cù khổ luyện, thông qua lao động thì mới thành. Nhưng niềm tin và động lực cũng là chất xúc tác cần thiết để người ta hướng tới cái đẹp, chân – thiện – mỹ; từ đó hướng tới xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc và tốt đẹp hơn.
Những phong tục dân gian tốt đẹp của lễ Khất xảo thể hiện tình yêu lao động, mong muốn giỏi giang trong nghề nghiệp. Như vậy Ngưu Lang – Chức Nữ không chỉ để lại cho dân gian một thần thoại về tình yêu mà còn gắn với sự cần cù, thông minh và tình yêu lao động.