Site icon 911win xổ số hôm nay

Tiền lương của lao động năm 2023 ra sao?

#911news #911girl #911game #2021topgame #911win

Các con số dự báo mức tăng lương 2023 của người lao động giảm dần theo thời điểm khảo sát do nhiều ngành vấp cú sốc hụt đơn hàng từ nửa cuối năm nay.

Đầu tháng 11, tại lễ công bố 100 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam, Anphabe – Công ty tư vấn các giải pháp thương hiệu nhà tuyển dụng và môi trường làm việc, đưa ra nhận định tiền lương năm 2023 của người đi làm sẽ tăng bình quân 12%. Đây là một phần trong kết quả khảo sát được Anphabe thực hiện từ tháng 4 đến 9/2022 với 515 công ty. Ngoài ra, đơn vị này còn có các khảo sát, phỏng vấn chuyên sâu khoảng 150 lãnh đạo, quản lý nhân sự 20 ngành nghề chính.

Gần hai tháng sau, ManpowerGroup Việt Nam dự báo mức tăng trưởng lương khiêm tốn hơn, chỉ khoảng 3-5%. Con số được tính toán dựa trên số liệu Báo cáo Điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê và quan sát của chính đơn vị này. ManpowerGroup Việt Nam cho rằng vài năm gần đây mức lương bình quân tháng của lao động từ không có kỹ năng, sơ cấp, cho đến trung cấp, cao đẳng tăng 6-8% mỗi năm. Riêng với nhóm có chuyên môn cao từ đại học trở lên con số này chỉ khoảng 5%. Năm 2023, các công ty vẫn còn nhiều thận trọng nên mức tăng sẽ không có nhiều đột biến, ngược lại còn thấp hơn trước.

Lý giải về sự sụt giảm các con số, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP HCM kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, nói rằng các con số dự báo đưa ra phụ thuộc rất lớn vào thời điểm khảo sát. Đơn cử, trong ngành may, quý 1, 2/2022, đơn hàng tăng trưởng mạnh mẽ, nhiều nhà máy đã vượt kế hoạch sản xuất, chủ doanh nghiệp sẵn sàng nâng lương cho người lao động. Tuy nhiên, từ nửa cuối năm, tình thế đảo chiều, đơn hàng bắt đầu sụt giảm, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thu hẹp quy mô sản xuất.

Thu nhập của người lao động bao gồm ba thành phần chính là lương căn bản, phụ cấp và tăng ca. Do lương căn bản của hầu hết người lao động đã được tăng từ tháng 7/2022 khi nhà nước điều chỉnh lương tối thiểu nên năm 2023 không còn khoản này. Trong khi đó, thu nhập từ tăng ca gần như không còn do các nhà máy thiếu đơn hàng. Theo ông Hồng, tình hình còn kéo dài ít nhất đến hết quý 1/2023. Do đó, tiền lương của người lao động trong những tháng đầu năm 2023 sẽ không cao và giảm so với cùng kỳ 2022.

“Doanh nghiệp đang xoay xở để mức độ giảm thấp nhất, giữ chân lao động”, ông Hồng nói. Với kinh nghiệm hơn 30 năm làm trong ngành, ông Hồng dự báo thị trường dệt may sẽ bắt đầu phục hồi từ quý 2 do đó thu nhập của người lao động từ nửa cuối năm 2023 sẽ được cải thiện.

Công nhân làm việc trong nhà máy Đại Dũng ở Khu công nghiệp An Hạ. Ảnh: Lê Tuyết

Ông Tống Văn Lai, Cục phó Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ lao động, Thương binh và Xã hội), nói có hai yếu tố ảnh hưởng thu nhập của người đi làm là nhà nước điều chỉnh lương tối thiểu vùng và sự cam kết, thỏa thuận tăng lương của doanh nghiệp với lao động.

Cụ thể, với những doanh nghiệp trả lương cho lao động theo thang, bảng lương với bậc lương thấp nhất bám sát lương tối thiểu, khi nhà nước điều chỉnh lương doanh nghiệp buộc phải nâng lên để cao hơn quy định. Các bậc lương khác sẽ tăng theo dây chuyền để đảm bảo khoảng cách của các bậc. Năm nào nhà nước có điều chỉnh lương tối thiểu vùng thì tiền lương của người lao động sẽ được tăng cao hơn mức tăng bình quân khoảng 2%.

Lãnh đạo Cục Quan hệ lao động và Tiền lương cho rằng khi quan sát tỷ lệ tăng lương của người lao động qua các năm sẽ thấy không có nhiều biến động dù kinh tế có tăng trưởng vượt bậc. Ví dụ năm khó khăn như 2021, nhiều nhà máy dừng hoặc hoạt động cầm chừng hay 2022, chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp ở một số ngành sản xuất giảm đơn hàng nhưng tiền lương của người lao động vẫn tăng trưởng.

Trong 10 năm qua, tiền lương của người lao động tăng bình quân 6-7% mỗi năm. Năm Covid-19 tác động mạnh, nhà nước không điều chỉnh lương tối thiểu, tỷ lệ tăng có giảm còn 5-6%. Những năm kinh tế phát triển tốt, mức tăng đạt 8-9%. Do đó, nếu theo chuỗi này, mức tăng của năm 2023 cũng sẽ không có gì đột biến, sẽ vào khoảng 6%.

“Chỉ khi thiếu giờ làm, tiền lương của người lao động mới phải giảm”, ông Lai nói. Tuy nhiên, hụt đơn hàng, thiếu việc cũng chỉ ở nhóm ngành sản xuất. Một số ngành như dịch vụ ăn uống vẫn có sự tăng trưởng, do đó khi tính chung toàn nền kinh tế sẽ không thấy ảnh hưởng quá lớn.

Exit mobile version