Thay vì ra điểm bán của nhà mạng, Tuấn Hùng (Hà Nội) rẽ vào một cửa hàng nhỏ ven đường và mất chưa đến hai phút để mua sim.
Đầu tháng 3, Hùng vào một cửa hàng sim thẻ ở quận Nam Từ Liêm, nơi treo biển về đủ loại sim của các nhà mạng với giá rẻ. Cửa hàng yêu cầu anh đưa căn cước công dân để làm thủ tục đăng ký, nếu không sẽ không bán.
“Tôi nói quên giấy tờ và cần sim chỉ để vào mạng, cửa hàng chần chừ, nhưng sau đó vẫn bán theo đúng yêu cầu”, anh kể.
Sim được anh mua có giá gần 200 nghìn đồng, lắp vào tự động nhận tín hiệu và có thể sử dụng luôn. Tra trên công cụ của nhà mạng, sim đăng ký dưới tên người khác, kích hoạt hơn một năm. “Tôi xác định đây chỉ là sim phụ, không sử dụng lâu dài nên đó không phải vấn đề”, anh nói.
Những người như Hùng đang trở thành khách hàng của các dịch vụ sim rác tràn lan tại Việt Nam hiện nay.
Theo quy định từ 2017, thuê bao di động mới đều phải đăng ký thông tin, gồm giấy tờ tùy thân và ảnh chụp chân dung. Từ tháng 8/2022, thuê bao mới phải xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thế nhưng thực tế, người dùng vẫn dễ dàng mua sim đã kích hoạt sẵn bằng thông tin của người khác.
Thế Lâm, chủ một cửa hàng điện thoại tại Vĩnh Phúc, cho biết sim đã kích hoạt là một trong những mặt hàng luôn được nhiều người tìm mua. Cửa hàng cũng dễ dàng nhập về bán.
“Phần lớn đều biết cần đăng ký thuê bao chính chủ. Tuy nhiên, nhiều người chỉ mua sim phụ, sim để vào mạng, ngại đăng ký và loại sim này đáp ứng được nhu cầu đó”, anh nói. Thế Lâm tiết lộ lý do khiến anh yên tâm bán là sim được nhập từ chính những người tự xưng là nhân viên nhà mạng.
Không chỉ ở các cửa hàng, sim đã đăng ký còn được rao bán công khai trên các mạng xã hội hay trang thương mại điện tử. Trên TikTok, một cửa hàng chuyên bán sim giá rẻ nhấn mạnh việc “không cần đăng ký” như một ưu điểm của dịch vụ.
Trên Shopee, danh mục sim di động liệt kê hàng trăm cửa hàng, nhiều trong số đó đã bán được vài trăm nghìn sản phẩm “sử dụng ngay”. Bên dưới là hàng loạt bình luận khẳng định “dùng tốt” và phù hợp với nhu cầu.