Trò chơi điện tử có thể giúp trẻ cải thiện khả năng học tập, kỹ năng xã hội… nhưng nếu quá lạm dụng có thể gây ra một số tác hại.
Cả trẻ em và người lớn đều thích chơi trò chơi điện tử. Có nghiên cứu cho thấy chơi trò chơi điện tử mang lại một số lợi ích nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ ở trẻ, nghiện thiết bị điện tử, thậm chí có hành vi bạo lực. Điều quan trọng cha mẹ cần nhận biết những biểu hiện tiêu cực ở con để có phương pháp điều chỉnh phù hợp.
Trò chơi điện tử rất tốt trong việc giúp trẻ phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề. Hoạt động giải trí này có thể củng cố các kỹ năng nhận thức và cải thiện khả năng suy nghĩ theo cách đa chiều của con.
Những trò chơi đơn giản có thể cải thiện tâm trạng của bé, tăng thư giãn và giảm bớt lo lắng. Trẻ cũng có thể xây dựng khả năng phục hồi cảm xúc bằng cách học cách đối phó với sự thắng thua trong các loại trò chơi điện tử.
Xã hội hóa là một lợi ích khác của trò chơi điện tử. Trong xu thế thời đại kỹ thuật số, đây là cách con có thể kết nối với bạn bè và giải tỏa căng thẳng. Thông qua hình thức chơi trực tuyến có thể kết nối con bạn với những đứa trẻ cùng tuổi có chung sở thích. Nói chung, trò chơi điện tử ở mức vừa phải là một cách an toàn để con học được nhiều kỹ năng và hành vi hữu ích.
Nếu con đang thể hiện hành vi đáng lo ngại, cha mẹ cần can thiệp. Những hành vi này có thể bao gồm sự cáu kỉnh khi không được chơi trò chơi yêu thích hoặc ngày càng tỏ ra hung hăng. Khi hành vi này xảy ra, cha mẹ vẫn có thể thực hiện các bước để điều chỉnh lượng phương tiện bạo lực tiếp nhận.
Trò chơi điện tử không phải là lý do duy nhất khiến trẻ trở nên hung hăng mà còn có các yếu tố khác. Trong số ít trường hợp, con có thể nghiện trò chơi điện tử và khiến chúng trở nên cáu kỉnh, gặp ảo giác, đau đớn về thể xác và có nguy cơ bị thừa cân. Nghiên cứu cho thấy những vấn đề này có thể được giải quyết bằng cách hạn chế hoặc tạm dừng chơi trò chơi điện tử.
Cách giúp trẻ chơi điện tử an toàn
Một số nghiên cứu trước đây cho thấy sự nguy hiểm của trò chơi điện tử nhưng vẫn có nhiều cách để giúp phụ huynh bảo vệ con. Hãy giám sát con và hạn chế những trò chơi được cho là mang tới tác động xấu. Cha mẹ cũng cần nói chuyện với con về việc giữ an toàn trên mạng.
Có 3 điều cần theo dõi khi con chơi các trò chơi điện tử bạo lực bao gồm: tính cách lúc chơi, loại trò chơi và mục đích của chúng khi chơi. Những điều này góp một phần trong cách thức chúng phản ứng với bạo lực trên màn hình máy điện tử.
Một số mẹo có thể giúp bạn giám sát việc chơi trò chơi điện tử của con như:
Giới hạn thời gian chơi: Nếu máy chơi ở trong phòng riêng, cha mẹ có thể không biết con dành bao nhiêu thời gian cho trò chơi. Học viện Nhi khoa Mỹ khuyến nghị, cha mẹ không nên để con chơi game nhiều hơn hai giờ mỗi ngày. Kiểm soát thiết bị điện tử của con ở một phòng khác có thể giúp bạn theo dõi thời gian chơi dễ dàng hơn.
Biết những gì con đang chơi: Cập nhật thông tin về các trò chơi mà trẻ đang chơi để hạn chế các trò chơi điện tử có xu hướng bạo lực hoặc không phù hợp.
Theo dõi hành vi của con: Nếu nhận thấy con mình có dấu hiệu như luôn mệt mỏi, cáu kỉnh hoặc học kém ở trường, phụ huynh nên nói chuyện với con về những tác hại của việc chơi game và lưu ý cận tiếp cận con với thái độ tử tế và ân cần.
Chơi cùng con: Ngồi xuống và chơi với con bạn là một cách tuyệt vời để tăng sự gắn kết và cũng là cách để kiểm soát những gì con đang chơi. Hãy cố gắng hiểu trò chơi và những sở thích của con. Sau đó, các bé sẽ cởi mở hơn khi nói về những vấn đề mình gặp phải. Nếu con có biểu hiện thụ động hoặc hành vi thất thường, có lẽ đã đến lúc tạm dừng việc chơi điện tử ở con.
Một số loại trò chơi có thể giúp phát triển trí óc của bé và giúp chúng hòa nhập với xã hội như: trò chơi nhập vai, trò chơi trực tuyến nhiều người chơi, một số game bắn súng đơn giản, trò chơi chiến lược…