Hà Nội, TP HCM và các đô thị lớn cần ưu tiên lề đường, vỉa hè cho người đi bộ và bố trí điểm dừng đón, trả khách cho xe buýt, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo.
Chiều 10/4, Văn phòng Chính phủ thông báo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông quý I.
Phó thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội, TP HCM và các đô thị trực thuộc trung ương xây dựng và triển khai các giải pháp chống ùn tắc giao thông; phát huy hiệu quả của các tuyến đường sắt đô thị sau khi đưa vào khai thác.
Các thành phố tập trung lập lại trật tự lòng, lề đường; xử lý người sử dụng trái phép lòng, lề đường, hè phố. Vận tải công cộng gắn với đi bộ và xe đạp được khuyến khích; đảm bảo an toàn giao thông cho trẻ em, phụ nữ, người già, người khuyết tật.
Thời gian qua, một số thành phố lớn tính cho thuê vỉa hè. Tháng 2, Sở Giao thông Vận tải TP HCM xây dựng dự thảo thay thế quyết định năm 2008 về quản lý và sử dụng lòng đường, hè phố. Sở dự kiến cho sử dụng vỉa hè làm điểm giữ xe, kinh doanh, quảng cáo, tổ chức sự kiện văn hóa, nơi trung chuyển vật liệu, phế thải… có thu phí, sau khi đã chừa đủ tối thiểu 1,5 m cho người đi bộ.
Ngoài kế hoạch chung của thành phố, một số quận huyện cũng đang tổ chức, sắp xếp cho sử dụng tạm một phần vỉa hè, lòng đường trên địa bàn. Trong đó, ở khu trung tâm, quận 3 đang thí điểm các hoạt động kinh doanh, mua bán ở 8 tuyến đường như Nguyễn Thượng Hiền, Lý Thải Tổ, Điện Biên Phủ, Hoàng Sa.
Thành phố Hà Nội cũng đang yêu cầu các quận nội đô lấy ý kiến đơn vị liên quan và người dân để có sự đồng thuận trong thí điểm cho thuê mặt bằng ở những tuyến phố có đủ điều kiện hạ tầng. Thủ đô sẽ nghiên cứu lập quy hoạch quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè từng tuyến phố, từng khu vực.
Theo thông báo hôm nay, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch và đột xuất, trong đó tập trung vào việc chấp hành pháp luật về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe đường bộ; sử dụng các dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình phục vụ quản lý vận tải và bảo đảm an toàn giao thông tại các địa phương.
Bộ chỉ đạo các đơn vị và địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ, khai thác hiệu quả dữ liệu từ hệ thống giám sát hành chính, camera gắn trên ôtô kinh doanh vận tải; sớm phát hiện, ngăn ngừa, xử lý vi phạm của lái xe, chủ xe. Phương tiện chở khách đường thủy, nhất là từ bờ ra đảo cần quản lý chặt.
Thời gian qua, số vụ tai nạn giao thông, người chết, bị thương đều giảm. Xe chở quá tải trọng được xử lý. Tuy nhiên, vẫn còn những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người. Có nơi còn đua xe trái phép.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công an duy trì chuyên đề xử lý vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, chạy quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, xe đạp điện, không thắt dây an toàn trên ôtô. Bộ kiến nghị xây dựng phương án tổ chức lại giao thông theo từng tuyến, nhất là tuyến phức tạp để khắc phục bất hợp lý, giải quyết “điểm đen”, nguy cơ tai nạn.
Các địa phương nghiêm cấm cán bộ, công chức can thiệp vào quá trình xử lý của lực lượng chức năng trong hoạt động đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.