Ông Võ Văn Thưởng làm Chủ tịch nước
Sáng 2/3, Quốc hội thông qua Nghị quyết bầu ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 (cập nhật).
Nghi thức tuyên thệ của Tân Chủ tịch nước bắt đầu lúc 10h. Ông Võ Văn Thưởng trong trang phục vest xanh đen, cà vạt đỏ, bước lên bục, tay trái đặt trên Hiến pháp, tay phải giơ cao, tuyên thệ.
“Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, tôi – Chủ tịch nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực công tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.
Ông Võ Văn Thưởng 53 tuổi, thạc sĩ Triết học, quê ở xã An Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long; Ủy viên Bộ Chính trị hai khóa liên tiếp 12 và 13. Ông được bầu làm Ủy viên Trung ương dự khuyết lúc 36 tuổi, sau đó là Ủy viên Trung ương ba khóa liên tiếp từ 11 đến 13, Đại biểu Quốc hội ba khóa 12, 14, 15.
Ông Võ Văn Thưởng là Chủ tịch nước trẻ tuổi nhất khi nhậm chức.
Ông Võ Văn Thưởng tốt nghiệp Thạc sĩ Triết học trường Đại học Tổng hợp TP HCM năm 1999. Ông có nhiều năm công tác tại Thành đoàn TP HCM, lần lượt trải qua các chức vụ, từ cán bộ Thành đoàn đến Chủ tịch Hội Sinh viên, Phó bí thư, Bí thư Thành đoàn.
Từ 2004, ông làm Bí thư Quận ủy 12, TP HCM. Hai năm sau, khi được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương, ông được Bộ Chính trị phân công giữ chức vụ Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, rồi được bầu làm Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn.
Tháng 8/2011, ông giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Ba năm sau, ông làm Phó bí thư thường trực Thành ủy TP HCM. Tháng 10/2015, ông tái cử chức vụ này, được Bộ Chính trị phân công điều hành công tác Thành ủy TP HCM.
Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 (tháng 1/2016), ông Thưởng được bầu vào Bộ Chính trị, sau đó, được phân công tham gia Ban Bí thư Trung ương Đảng và giữ chức vụ Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Sau 5 năm giữ cương vị Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông được bầu vào Bộ Chính trị khóa 13 và được phân công giữ chức Thường trực Ban Bí thư từ tháng 2/2021 đến nay.
Giữa tháng 1/2023, Ban chấp hành Trung ương họp hội nghị bất thường lần ba, thống nhất để ông Nguyễn Xuân Phúc thôi Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021-2026, theo nguyện vọng cá nhân. Bộ Chính trị sau đó phân công bà Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền Chủ tịch nước.
Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt đất nước về đối nội và đối ngoại. Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội.
Hiến pháp 2013 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước, trong đó có công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh; đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó chủ tịch nước, Thủ tướng; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó thủ tướng, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước quyết định đặc xá; quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, các giải thưởng nhà nước, danh hiệu vinh dự nhà nước; quyết định cho nhập quốc tịch, thôi quốc tịch, trở lại quốc tịch hoặc tước quốc tịch Việt Nam.
Chủ tịch nước thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.