Thành Lộc – sức hút của ‘phù thủy sân khấu’
Khi Thành Lộc rời Idecaf, lập sân khấu riêng, nhiều người cho rằng “nơi nào có Thành Lộc, nơi ấy có thể sáng đèn”.
Thành Lộc và êkíp chuẩn bị ra mắt sân khấu Thiên Đăng, khai trương vào đầu tháng 9 với vở kịch do nghệ sĩ đạo diễn. Thông tin gây chú ý trong giới mộ điệu, sau khi nghệ sĩ rút khỏi Idecaf – sàn diễn gắn bó từ năm 1997 đến nay.
Ở tuổi 62, Thành Lộc vẫn giữ sức hút của ngôi sao kịch nói hàng đầu. Hồi tháng 5, khi Ngày xửa ngày xưa số 34: Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai – vở cuối của anh tại Idecaf được công bố, tác phẩm thu hút hơn 14.000 vé bán ra trong vài giờ. Sau hơn một tháng, êkíp xếp thêm lịch diễn vào tháng 7, tháng 8. Ông Huỳnh Anh Tuấn – giám đốc sân khấu – nhận định, ngoài yếu tố thương hiệu của series kịch, Thành Lộc là cái tên chủ chốt, góp phần thu hút hàng nghìn khán giả đến Nhà hát Bến Thành mỗi suất.
* Thành Lộc rời Idecaf sau 25 năm gắn bó
Không chỉ Ngày xửa ngày xưa, với nhiều kịch mục ở Idecaf, Thành Lộc là tâm điểm. Góp mặt vào khoảng 80% tác phẩm tại sân khấu này, nghệ sĩ là một trong những tên tuổi “dàn bao” (bán vé tốt) dù chỉ diễn hầu hết vai phụ. Trong Alô lộ hàng – vở gây sốt năm 2022, Thành Lộc chủ yếu xuất hiện nửa sau với vai nữ tướng cướp, nhường “đất” diễn cho hai nghệ sĩ trẻ đóng chính. Mỗi phân cảnh anh góp mặt đều khuấy động không khí khán phòng.
Ở các vở như 12 bà mụ, Ngôi nhà không có đàn ông, Mưu bà Tú, anh là tên tuổi được đón đợi. Đại diện phòng vé Idecaf từng cho biết, không ít người khi đến mua thường nói “vở nào cũng được, chỉ cần có Thành Lộc”.
Nhiều đồng nghiệp đánh giá khả năng biến hóa ở nhiều dòng kịch, từ hài, bi đến chính sử giúp Thành Lộc giữ danh hiệu “phù thủy sân khấu”. Minh Nhí nói khi xem Alô lộ hàng cuối năm 2022, càng hiểu rõ nội lực của nghệ sĩ trong vai trò diễn viên lẫn đạo diễn, ở cách xử lý sân khấu, sắp xếp tình huống, trang trí phối cảnh, lồng ghép âm nhạc.
Hoặc, với vở 12 bà mụ, nghệ sĩ liên tiếp đóng ba vai ở ba hồi: Bà Một – chị cả trong 12 nữ thần, mãnh hổ và thầy đồng. Lối diễn của anh chuyển biến linh hoạt, từ biểu cảm đến giọng thoại, để thể hiện nhiều dạng nhân vật có tính cách trái ngược.
Trong màn đầu Cậu Đồng – kịch nổi tiếng của Idecaf, khi nhân vật của Thành Lộc chưa lộ diện, chỉ mới cất giọng thoại, khán giả đã vỗ tay hưởng ứng. Đóng vai nhà tu hành, lợi dụng mê tín dị đoan làm điều bất chính, diễn viên chinh phục khán giả bằng lỗi diễn hài hình thể lẫn hài thoại.
Với dòng kịch bi, chính sử, Thành Lộc bảo chứng cho chất lượng tác phẩm, theo đánh giá của “kỳ nữ” Kim Cương. Bà từng khóc khi xem anh diễn Ngàn năm tình sử hay Bông hồng cài áo – tác phẩm dựng lại từ vở kinh điển của sân khấu Kim Cương. Trong nhạc kịch Tiên Nga, Thành Lộc khắc họa nỗi lòng cụ Đồ Chiểu đau đáu trước cảnh nước mất nhà tan, hay giọng thoại đanh thép qua câu thơ nổi tiếng của thi sĩ: “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc”.
Hay trong Dạ cổ hoài lang, đóng vai Tư “đàn kìm” – ông lão day dứt với nỗi nhớ vợ trên đất Mỹ, Thành Lộc lấy nước mắt khán giả suốt hàng nghìn suất diễn. Nghệ sĩ Mỹ Uyên – giám đốc sân khấu kịch 5B – cho biết xem đàn anh diễn, chị hiểu vì sao tác phẩm trở thành huyền thoại gần 30 năm qua. Cảnh ông Tư mời ông Năm (Hữu Châu) sang nhà ăn giỗ vợ với chiếc bánh kem, vài nén hương, khắc sâu trong ký ức chị về lối diễn chân chất đậm chất Nam bộ.
Suốt sự nghiệp, Thành Lộc từng gây tranh cãi vì yếu tố giả gái. Thập niên 2000, nhiều vở kịch tại TP HCM bị truyền thông phản ánh về hiện tượng nữ hóa trên sân khấu, trong đó có một số vở Thành Lộc tham gia. Anh từng cho biết không chỉ muốn đóng vai nữ, mà còn thể hiện nhiều dạng nhân vật để được cùng lúc sống nhiều cuộc đời. Nhiều ý kiến cho rằng các vai trong Ngày xửa ngày xưa – như Cám trong Tấm Cám, phù thủy trong Bạch Tuyết và bảy chú lùn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khán giả nhí, anh lý giải đó là dụng ý của êkíp khi dựng kịch, muốn phản ánh cái xấu qua lăng kính hài hước.
Tài diễn xuất của Thành Lộc ngoài khổ luyện còn nhờ thừa hưởng từ gia đình giàu truyền thống sân khấu. Nghệ sĩ sinh năm 1961, có cha là nghệ sĩ hát bội Thành Tôn, mẹ là nghệ sĩ Huỳnh Mai. Thuở nhỏ, anh sống cùng gia đình ở đình Cầu Quan (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 hiện nay), TP HCM. Bị cấm theo nghề hát xướng, anh lén xem cha mẹ biểu diễn tuồng, thấm dòng máu nghệ thuật từ đó. Sang thời niên thiếu, anh bén duyên với kịch nói khi được nghệ sĩ Kim Cương mời đóng một vai nhỏ trong vở Lá sầu riêng. 14 tuổi, anh tham gia đội múa của Nhà thiếu nhi TP HCM vì ấp ủ ước mơ trở thành nghệ sĩ ballet.